Lê Đại Hành hoàng đế - chiến công ghi mãi ngàn năm.
“Thường nghe các bậc đế vương thánh hiền nổi lên, ắt là do trời đất chung đúc phần ưu tú, núi sông tỏ rõ sự thiêng liêng, hòa khí tụ hội ứng kỳ mà sinh ra vậy”. Lời khắc trên văn bia tại đền thờ vua Lê Đại Hành cũng chính là sự đúc kết về nhân vật lịch sử lẫy lừng, mà những “di sản” ông để lại đã góp phần mở ra kỷ nguyên mới trên hành trình xây dựng quốc gia Đại Việt huy hoàng.
Lịch sử dựng nước và giữ nước nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì ắt sẽ xuất hiện nhân vật lịch sử đủ sức gánh vác sứ mệnh trọng đại: Giành nền độc lập, dựng xây cơ đồ quốc gia dân tộc. Lê Đại Hành hoàng đế là nhân vật lịch sử như thế. Lê Hoàn (941-1005) quê ở Xuân Lập, châu Ái (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân). Thuở nhỏ nhà nghèo, bố mẹ mất sớm. Có viên quan họ Lê thương tình đem về nuôi. Lê Hoàn làm lụng chăm chỉ, chịu khó, nên được ông quan họ Lê hết lòng chăm sóc, dạy dỗ. Lê Hoàn tư chất thông minh, học đâu hiểu đó, lại là người có chí lớn, có sức khỏe, giỏi võ nghệ. Năm 15 tuổi (năm 956), ông theo con trai trưởng của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Liễn tham gia công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân. Nhờ lập nhiều công trạng, ông được Đinh Bộ Lĩnh tin dùng và giao cai quản 2.000 quân sĩ. Với tài năng, lại túc trí đa mưu, được lòng quân sĩ, đến năm 971 khi tròn 30 tuổi, ông đã được phong chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ dưới triều nhà Đinh, tổng chỉ huy 10 đạo quân trong nước.
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, sự nghiệp xây dựng đất nước của nhà Đinh vừa tạo dựng được nền móng căn cơ thì tai họa lớn bỗng chốc ập xuống. Cuối năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Triều đình buộc phải lập Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi kế thừa đại nghiệp nhà Đinh. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn giữ quyền nhiếp chính. Thấy vậy, các tướng của Đinh Tiên Hoàng là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp có ý nghi ngờ Lê Hoàn nắm quyền hành trong tay sẽ làm điều bất lợi cho vua, nên đã cùng dấy binh, chia hai đường thủy bộ tiến quân về kinh đô Hoa Lư nhằm lật đổ Lê Hoàn, song đã bị Lê Hoàn quét sạch.
Lúc bấy giờ ở phương Bắc, nhà Tống đang trong giai đoạn cường thịnh. Hay tin Đinh Tiên Hoàng mất, Đinh Toàn kế nghiệp còn nhỏ tuổi, triều thần lại bất hòa đánh giết lẫn nhau, nhà Tống thừa cơ đưa quân sang xâm chiếm nước ta. Nhân nhận được lời tâu của Tri châu Ung Châu (vùng Nam Ninh, Quảng Tây ngày nay), Hầu Nhân Bảo xin sang đánh Đại Cồ Việt, vua Tống liền phong cho Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục Chuyển vận sứ, cùng với Tôn Toàn Hưng, Vương Soạn, Trần Khâm Tộ, Thôi Lượng, Lưu Trừng, Giả Thực dẫn 3 vạn quân Kinh Hồ (Hồ Nam, Hồ Bặc ngày nay) theo hai đường thủy bộ sang đánh chiếm nước ta.
Trước tình thế cấp bách, Thái hậu Dương Vân Nga và các tướng lĩnh đã thống nhất suy tôn Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế. Năm 980, Lê Đại Hành hoàng đế lên ngôi, mở đầu cho triều đại Tiền Lê. Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua đã nhanh chóng ổn định tình hình triều chính và chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kháng chiến chống Tống. Một mặt, vua cử tướng đưa quân đi các ngả để đề phòng quân Tống; mặt khác cử người đưa thư sang nhà Tống nói thác là thư của Đinh Toàn cầu phong, có ý để nhà Tống hoãn binh. Đến tháng 3 năm Tân Tỵ 981, quân Tống ồ ạt tiến công xâm lược nước ta. Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng dẫn quân bộ tiến đánh Lạng Sơn; Trần Khâm Tộ tiến đánh Tây Kết; Lưu Trừng dẫn quân thủy tiến vào sông Bạch Đằng. Phía đường thủy, vua sai đóng cọc trên sông Bạch Đằng theo kế sách của Ngô Vương thuở trước. Phía đường bộ sai người trá hàng dụ Hầu Nhân Bảo đến Chi Lăng, đặt phục binh chém chết. Nhà vua chỉ huy quân sĩ chặn đánh Trần Khâm Tộ, khiến đội quân này thua to, chết quá nửa, thây phơi đầy đồng, hai tướng giặc là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt sống. Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, ba đạo quân lớn của nhà Tống đã bị vua tôi nhà Tiền Lê đánh tan, những tên may mắn sống sót phải liều mạng trốn chạy mới thoát được về bên kia biên giới.
Công cuộc kháng chiến chống Tống giành thắng lợi, bờ cõi phía Bắc tạm yên, nhưng ở phía Nam vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Trước đó, năm 979, Ngô Nhật Khánh (người đã đầu hàng Đinh Bộ Lĩnh, nhưng sau lại trốn sang Chiêm Thành và âm mưu phục thù), cùng vua Chiêm Thành dẫn hơn 1.000 chiến thuyền đi đường biển vào cửa Đại An, hòng đánh chiếm Hoa Lư. Do gặp bão lớn khiến nhiều thuyền bị đắm, Ngô Nhật Khánh chết đuối. Vua Chiêm mặc dù thoát chết nhưng vẫn ôm hận nên đã bắt giam hai sứ thần nhà Lê là Từ Mục và Ngô Tử Canh. Sau khi kháng chiến chống Tống thắng lợi, vua Lê Đại Hành đã ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm tử trận, nhiều thành trì bị phá hủy, nhờ đó biên giới phía Nam mới được yên ổn.
Có thể khẳng định, khi họa trong giặc ngoài uy hiếp đến sự tồn vong của dân tộc, đã buộc nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ là Lê Hoàn không thể không đứng ra gánh vác sứ mệnh bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng. Đánh giá về công cuộc chống Tống, bình Chiêm của nhà vua, sử gia Ngô Sĩ Liên bàn: Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành rửa cái sỉ nhục phiên di bắt giữ sử thần, phá tan quân Triệu Tống để bẻ cái mưu vua tôi ăn chắc, có thể gọi là bực anh hùng nhất đời vậy. Còn sử gia Lê Văn Hưu thì bàn: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt Quân Biện, Phụng Huân, dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà cõi bờ yên tĩnh, cái công đánh lấy tuy nhà Hán nhà Đường cũng không hơn được!
Người đặt nền móng cho công cuộc xây dựng quốc gia hưng thịnh
Không chỉ có tài năng quân sự, lịch sử còn ghi chép lại nhiều thông tin quý, giúp hậu thế biết thêm tài năng của vua Lê Đại Hành trên các phương diện phát triển kinh tế, văn hóa, ngoại giao...
Đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung lập, xã Xuân Lập, Thọ Xuân. Ảnh: Thùy Linh
Ngay sau công cuộc chống Tống, bình Chiêm, vua Lê Đại Hành đã bắt tay vào công cuộc chấn hưng đất nước, tạo dựng nền móng để xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt vững mạnh. Theo đó, nhà vua đã cho sắp xếp lại bộ máy hành chính từ địa phương đến Trung ương; đổi các đạo thành phủ, lộ, châu, đặt các giáp trưởng, lệnh trưởng ở những đơn vị cơ sở (ngày nay là thôn, xóm)... Có nhận định cho rằng, cho đến lúc đó, vua Lê Đại Hành là người đầu tiên trong lịch sử tỏ ra có ý thức tập trung quyền lực vào bộ máy Nhà nước từ trên xuống dưới, cả miền ngược lẫn miền xuôi. Việc giao thông, kinh tế dưới triều Tiền Lê cũng được chú trọng. Đặc biệt, vua Lê Đại Hành hết sức chú trọng đến phát triển nông nghiệp. Sử cũ chép, Định Hợi năm thứ 8 (987), mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân. Với việc làm ấy, Lê Đại Hành là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền, nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
Ông cũng là vị vua đầu tiên cho đào sông, nối liền các sông lớn, tạo ra hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho việc canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, các nghề thủ công cũng được khuyến khích phát triển; các xưởng đóng thuyền, xưởng đúc đồng được tổ chức sản xuất; việc buôn bán thông thương với các nước lân cận cũng được triều đình cho phép thực hiện... Ngoài ra, nhà vua cũng cho đúc tiền Thiên Phúc, đồng tiền đầu tiên trong lịch sử của nước ta. Vấn đề thuế khóa cũng được quan tâm... Đó được xem là những chứng tích cho thấy ý thức xây dựng thiết chế chính quyền Nhà nước một cách có tổ chức, quy mô bền vững dưới triều đại Tiền Lê. Đặc biệt, việc kinh thành Hoa Lư được xây dựng lại một cách tráng lệ, vua Lê Đại Hành đã thực sự đặt nền móng cho đất nước ta bước sang thời kỳ mới: Thời kỳ văn hóa Thăng Long rực rỡ.
Chưa dừng lại ở đó, lĩnh vực ngoại giao dưới triều đại Lê Đại Hành cũng ghi nhiều dấu ấn đáng tự hào. Đó là nền ngoại giao độc lập, tự chủ và với các chính sách vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn. Nhà Tống sau lần thất bại năm 961, đã phải công nhận Lê Hoàn đứng đầu nước ta và về thực chất là công nhận quyền tự chủ của nước Đại Cồ Việt. Liên tiếp những đoàn sứ giả của Nhà Tống sang biểu lộ mối bang giao hòa hiếu, khi gặp nhà vua đều phải tỏ ra kính nể. Mặc dù tiếp sứ giả một cách cởi mở, song nhà vua luôn giữ thái độ cứng rắn. Chẳng hạn, vua tự nhận nước ta là nước nhỏ, cõi xa, nhưng luôn phô bày trước các đoàn sứ giả sức mạnh quân sự và ý chí kiên cường của Nhân dân ta. Hoặc có lần sứ giả nhà Tống sang đòi vua quỳ nhận sắc phong, nhà vua lấy cớ bị đau chân không quỳ. Rồi để tránh việc đón tiếp sứ giả phiền hà, tốn kém, nhà vua còn đề nghị nước Tống cử sứ giả đưa thư đến biên giới và báo tin để triều đình Hoa Lư sai người lên nhận chiếu thư của vua Tống. Đặc biệt, dù đề cao chính sách bang giao hòa bình, song ở khu vực biên giới, nhà vua luôn đề cao cảnh giác, nếu cần thiết sẽ cho lũ giặc nếm bài học thích đáng, khiến chúng không dám gây hấn, xâm phạm.
Có thể khẳng định, sự nghiệp lẫy lừng gắn với công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước của hoàng đế Lê Đại Hành đã ghi một dấu son rực rỡ vào lịch sử dân tộc. Để rồi, dẫu đã cách hậu thế hơn một nghìn năm, song nhiều bài học quý giá cả về nghệ thuật quân sự đến củng cố chính quyền và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội... mà ông để lại, đã trở thành hành trang để dân tộc ta vững bước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
Tin cùng chuyên mục
-
Thanh Hóa: Không dùng hội trường UBND xã, nhà văn hóa thôn để giới thiệu sản phẩm và bán hàng
21/05/2024 00:00:00 -
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực Thọ Xuân năm 2024
05/04/2024 09:49:39 -
Lê Đại Hành hoàng đế - chiến công ghi mãi ngàn năm.
04/04/2024 16:29:34 -
LỄ HỘI ĐỀN THỜ LÊ HOÀN - NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN
04/04/2024 16:14:55
Lê Đại Hành hoàng đế - chiến công ghi mãi ngàn năm.
“Thường nghe các bậc đế vương thánh hiền nổi lên, ắt là do trời đất chung đúc phần ưu tú, núi sông tỏ rõ sự thiêng liêng, hòa khí tụ hội ứng kỳ mà sinh ra vậy”. Lời khắc trên văn bia tại đền thờ vua Lê Đại Hành cũng chính là sự đúc kết về nhân vật lịch sử lẫy lừng, mà những “di sản” ông để lại đã góp phần mở ra kỷ nguyên mới trên hành trình xây dựng quốc gia Đại Việt huy hoàng.
Lịch sử dựng nước và giữ nước nghìn năm của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý, mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì ắt sẽ xuất hiện nhân vật lịch sử đủ sức gánh vác sứ mệnh trọng đại: Giành nền độc lập, dựng xây cơ đồ quốc gia dân tộc. Lê Đại Hành hoàng đế là nhân vật lịch sử như thế. Lê Hoàn (941-1005) quê ở Xuân Lập, châu Ái (nay là xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân). Thuở nhỏ nhà nghèo, bố mẹ mất sớm. Có viên quan họ Lê thương tình đem về nuôi. Lê Hoàn làm lụng chăm chỉ, chịu khó, nên được ông quan họ Lê hết lòng chăm sóc, dạy dỗ. Lê Hoàn tư chất thông minh, học đâu hiểu đó, lại là người có chí lớn, có sức khỏe, giỏi võ nghệ. Năm 15 tuổi (năm 956), ông theo con trai trưởng của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Liễn tham gia công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân. Nhờ lập nhiều công trạng, ông được Đinh Bộ Lĩnh tin dùng và giao cai quản 2.000 quân sĩ. Với tài năng, lại túc trí đa mưu, được lòng quân sĩ, đến năm 971 khi tròn 30 tuổi, ông đã được phong chức Thập đạo tướng quân điện tiền đô chỉ huy sứ dưới triều nhà Đinh, tổng chỉ huy 10 đạo quân trong nước.
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, sự nghiệp xây dựng đất nước của nhà Đinh vừa tạo dựng được nền móng căn cơ thì tai họa lớn bỗng chốc ập xuống. Cuối năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng và con trưởng Đinh Liễn bị Đỗ Thích sát hại. Triều đình buộc phải lập Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi kế thừa đại nghiệp nhà Đinh. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn giữ quyền nhiếp chính. Thấy vậy, các tướng của Đinh Tiên Hoàng là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp có ý nghi ngờ Lê Hoàn nắm quyền hành trong tay sẽ làm điều bất lợi cho vua, nên đã cùng dấy binh, chia hai đường thủy bộ tiến quân về kinh đô Hoa Lư nhằm lật đổ Lê Hoàn, song đã bị Lê Hoàn quét sạch.
Lúc bấy giờ ở phương Bắc, nhà Tống đang trong giai đoạn cường thịnh. Hay tin Đinh Tiên Hoàng mất, Đinh Toàn kế nghiệp còn nhỏ tuổi, triều thần lại bất hòa đánh giết lẫn nhau, nhà Tống thừa cơ đưa quân sang xâm chiếm nước ta. Nhân nhận được lời tâu của Tri châu Ung Châu (vùng Nam Ninh, Quảng Tây ngày nay), Hầu Nhân Bảo xin sang đánh Đại Cồ Việt, vua Tống liền phong cho Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu thủy lục Chuyển vận sứ, cùng với Tôn Toàn Hưng, Vương Soạn, Trần Khâm Tộ, Thôi Lượng, Lưu Trừng, Giả Thực dẫn 3 vạn quân Kinh Hồ (Hồ Nam, Hồ Bặc ngày nay) theo hai đường thủy bộ sang đánh chiếm nước ta.
Trước tình thế cấp bách, Thái hậu Dương Vân Nga và các tướng lĩnh đã thống nhất suy tôn Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế. Năm 980, Lê Đại Hành hoàng đế lên ngôi, mở đầu cho triều đại Tiền Lê. Ngay sau khi lên ngôi, nhà vua đã nhanh chóng ổn định tình hình triều chính và chuẩn bị lực lượng cho công cuộc kháng chiến chống Tống. Một mặt, vua cử tướng đưa quân đi các ngả để đề phòng quân Tống; mặt khác cử người đưa thư sang nhà Tống nói thác là thư của Đinh Toàn cầu phong, có ý để nhà Tống hoãn binh. Đến tháng 3 năm Tân Tỵ 981, quân Tống ồ ạt tiến công xâm lược nước ta. Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng dẫn quân bộ tiến đánh Lạng Sơn; Trần Khâm Tộ tiến đánh Tây Kết; Lưu Trừng dẫn quân thủy tiến vào sông Bạch Đằng. Phía đường thủy, vua sai đóng cọc trên sông Bạch Đằng theo kế sách của Ngô Vương thuở trước. Phía đường bộ sai người trá hàng dụ Hầu Nhân Bảo đến Chi Lăng, đặt phục binh chém chết. Nhà vua chỉ huy quân sĩ chặn đánh Trần Khâm Tộ, khiến đội quân này thua to, chết quá nửa, thây phơi đầy đồng, hai tướng giặc là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt sống. Như vậy, chỉ trong vòng vài tháng, ba đạo quân lớn của nhà Tống đã bị vua tôi nhà Tiền Lê đánh tan, những tên may mắn sống sót phải liều mạng trốn chạy mới thoát được về bên kia biên giới.
Công cuộc kháng chiến chống Tống giành thắng lợi, bờ cõi phía Bắc tạm yên, nhưng ở phía Nam vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Trước đó, năm 979, Ngô Nhật Khánh (người đã đầu hàng Đinh Bộ Lĩnh, nhưng sau lại trốn sang Chiêm Thành và âm mưu phục thù), cùng vua Chiêm Thành dẫn hơn 1.000 chiến thuyền đi đường biển vào cửa Đại An, hòng đánh chiếm Hoa Lư. Do gặp bão lớn khiến nhiều thuyền bị đắm, Ngô Nhật Khánh chết đuối. Vua Chiêm mặc dù thoát chết nhưng vẫn ôm hận nên đã bắt giam hai sứ thần nhà Lê là Từ Mục và Ngô Tử Canh. Sau khi kháng chiến chống Tống thắng lợi, vua Lê Đại Hành đã ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Vua Chiêm tử trận, nhiều thành trì bị phá hủy, nhờ đó biên giới phía Nam mới được yên ổn.
Có thể khẳng định, khi họa trong giặc ngoài uy hiếp đến sự tồn vong của dân tộc, đã buộc nhân vật lịch sử có tầm ảnh hưởng lớn lúc bấy giờ là Lê Hoàn không thể không đứng ra gánh vác sứ mệnh bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng. Đánh giá về công cuộc chống Tống, bình Chiêm của nhà vua, sử gia Ngô Sĩ Liên bàn: Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành rửa cái sỉ nhục phiên di bắt giữ sử thần, phá tan quân Triệu Tống để bẻ cái mưu vua tôi ăn chắc, có thể gọi là bực anh hùng nhất đời vậy. Còn sử gia Lê Văn Hưu thì bàn: Lê Đại Hành giết Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc, bắt Quân Biện, Phụng Huân, dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà cõi bờ yên tĩnh, cái công đánh lấy tuy nhà Hán nhà Đường cũng không hơn được!
Người đặt nền móng cho công cuộc xây dựng quốc gia hưng thịnh
Không chỉ có tài năng quân sự, lịch sử còn ghi chép lại nhiều thông tin quý, giúp hậu thế biết thêm tài năng của vua Lê Đại Hành trên các phương diện phát triển kinh tế, văn hóa, ngoại giao...
Đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung lập, xã Xuân Lập, Thọ Xuân. Ảnh: Thùy Linh
Ngay sau công cuộc chống Tống, bình Chiêm, vua Lê Đại Hành đã bắt tay vào công cuộc chấn hưng đất nước, tạo dựng nền móng để xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt vững mạnh. Theo đó, nhà vua đã cho sắp xếp lại bộ máy hành chính từ địa phương đến Trung ương; đổi các đạo thành phủ, lộ, châu, đặt các giáp trưởng, lệnh trưởng ở những đơn vị cơ sở (ngày nay là thôn, xóm)... Có nhận định cho rằng, cho đến lúc đó, vua Lê Đại Hành là người đầu tiên trong lịch sử tỏ ra có ý thức tập trung quyền lực vào bộ máy Nhà nước từ trên xuống dưới, cả miền ngược lẫn miền xuôi. Việc giao thông, kinh tế dưới triều Tiền Lê cũng được chú trọng. Đặc biệt, vua Lê Đại Hành hết sức chú trọng đến phát triển nông nghiệp. Sử cũ chép, Định Hợi năm thứ 8 (987), mùa xuân, vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải, được một chĩnh nhỏ bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân. Với việc làm ấy, Lê Đại Hành là vị vua mở đầu cho lễ tịch điền, nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
Ông cũng là vị vua đầu tiên cho đào sông, nối liền các sông lớn, tạo ra hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho việc canh tác nông nghiệp. Ngoài ra, các nghề thủ công cũng được khuyến khích phát triển; các xưởng đóng thuyền, xưởng đúc đồng được tổ chức sản xuất; việc buôn bán thông thương với các nước lân cận cũng được triều đình cho phép thực hiện... Ngoài ra, nhà vua cũng cho đúc tiền Thiên Phúc, đồng tiền đầu tiên trong lịch sử của nước ta. Vấn đề thuế khóa cũng được quan tâm... Đó được xem là những chứng tích cho thấy ý thức xây dựng thiết chế chính quyền Nhà nước một cách có tổ chức, quy mô bền vững dưới triều đại Tiền Lê. Đặc biệt, việc kinh thành Hoa Lư được xây dựng lại một cách tráng lệ, vua Lê Đại Hành đã thực sự đặt nền móng cho đất nước ta bước sang thời kỳ mới: Thời kỳ văn hóa Thăng Long rực rỡ.
Chưa dừng lại ở đó, lĩnh vực ngoại giao dưới triều đại Lê Đại Hành cũng ghi nhiều dấu ấn đáng tự hào. Đó là nền ngoại giao độc lập, tự chủ và với các chính sách vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn. Nhà Tống sau lần thất bại năm 961, đã phải công nhận Lê Hoàn đứng đầu nước ta và về thực chất là công nhận quyền tự chủ của nước Đại Cồ Việt. Liên tiếp những đoàn sứ giả của Nhà Tống sang biểu lộ mối bang giao hòa hiếu, khi gặp nhà vua đều phải tỏ ra kính nể. Mặc dù tiếp sứ giả một cách cởi mở, song nhà vua luôn giữ thái độ cứng rắn. Chẳng hạn, vua tự nhận nước ta là nước nhỏ, cõi xa, nhưng luôn phô bày trước các đoàn sứ giả sức mạnh quân sự và ý chí kiên cường của Nhân dân ta. Hoặc có lần sứ giả nhà Tống sang đòi vua quỳ nhận sắc phong, nhà vua lấy cớ bị đau chân không quỳ. Rồi để tránh việc đón tiếp sứ giả phiền hà, tốn kém, nhà vua còn đề nghị nước Tống cử sứ giả đưa thư đến biên giới và báo tin để triều đình Hoa Lư sai người lên nhận chiếu thư của vua Tống. Đặc biệt, dù đề cao chính sách bang giao hòa bình, song ở khu vực biên giới, nhà vua luôn đề cao cảnh giác, nếu cần thiết sẽ cho lũ giặc nếm bài học thích đáng, khiến chúng không dám gây hấn, xâm phạm.
Có thể khẳng định, sự nghiệp lẫy lừng gắn với công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước của hoàng đế Lê Đại Hành đã ghi một dấu son rực rỡ vào lịch sử dân tộc. Để rồi, dẫu đã cách hậu thế hơn một nghìn năm, song nhiều bài học quý giá cả về nghệ thuật quân sự đến củng cố chính quyền và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội... mà ông để lại, đã trở thành hành trang để dân tộc ta vững bước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.